“Tại sao các cậu lại lấy tên Đom Đóm?”
Một người bạn mới hỏi tôi qua bàn ăn. Cô ấy và chồng có một dự án nông nghiệp bền vững cũng lấy tên là Đom Đóm. Tôi ngập ngừng rồi trả lời: “Vì khi những con đom đóm ở trong bầy, sẽ đến một thời điểm mà bọn nó lập loè cùng nhau.”
Cả bàn ăn rộ lên với những nghi vấn: “Cái gì?” “Thật á?” “Tớ chưa bao giờ thấy điều đó bao giờ!” “Cậu lấy nguồn ở đâu?” Cô bạn hỏi gặng.
Tôi cười trừ. “Tớ cũng quên mất mình nghe ở đâu rồi, chỉ có là từ trước đến nay tớ cứ nói thế mà không bị ai chất vấn cả.” Sau này tôi mới biết đúng là có hiện tượng đó thật. Trong số hơn hai nghìn loài đom đóm trên thế giới, chỉ có vài ba loại đã được ghi nhận là có thể nhấp nháy cùng nhau.
“Thực ra là còn một lí do nữa cho cái tên Đom Đóm,” tôi nói khi mọi người đã yên lặng hơn. “Cơ mà bọn tớ nhận ra tầng nghĩa này sau khi đã chọn tên rồi. Từ lâu rồi tụi tớ được học một lý thuyết về sự thay đổi mang tên Mô hình Hai vòng lặp.
“Vòng đầu tiên, như chữ U ngược,” tôi vừa nói vừa khua tay, “tượng trưng cho một hệ thống trên con đường phát triển, lên đến đỉnh cao, rồi suy tàn. Và trong quá trình suy tàn đó, dần dần có các lựa chọn khác nổi lên. Đó là điểm khởi đầu của vòng thứ hai, một chữ U xuôi. Hệ thống khởi sinh này cần được nuôi dưỡng và dần dần nó lớn lên để thay thế hệ thống cũ.”
Tôi tiếp tục. “Và rải rác trên hai vòng này là những vai trò khác nhau. Ở phía bên phải của vòng thứ hai là vai trò của người Soi sáng, những người tạo cầu nối giữa vòng một và vòng hai để những người khác được sang hệ thống mới. Và đom đóm thì tự tạo ra ánh sáng, nên chúng tớ lấy cái tên đó để đặt cho công ty của mình.”
Mọi người im lặng trong vài giây. Thế rối, cô bạn quay qua chồng mình: “Từ giờ mình lấy lời giải thích đó nhé anh.”

Mô hình Hai Vòng Lặp bởi Nam Taro
Càng nhiều người soi sáng cho các cách thức mới thì tôi càng vui. Có lẽ với đôi vợ chồng kia, họ soi sáng cho cách làm nông nghiệp tái tạo thay vì nông nghiệp khai thác đơn thuần. Còn với chúng tôi, với sự tập trung về vận hành tổ chức, chúng tôi nhìn thấy sự suy tàn của những bộ máy quản lý cồng kềnh, và đang rọi chiếu cho những phương pháp lãnh đạo dựa trên khả năng tự quản vốn có của con người.
Tôi đã từng là một nhân viên của một tập đoàn lớn; một con ốc trong một bộ máy khổng lồ với nhiệm vụ duy nhất là lợi nhuận. Tôi đã không thể, và cũng không muốn, trụ ở đó lâu. Khi rời khỏi bộ máy đó, tôi may mắn được gặp những người bạn có cùng chí hướng. Chúng tôi được học các cách hợp tác khác nhau như mô hình tổ chức Xanh ngọc, phương pháp lãnh đạo Phẳng, và thực tập hội thoại đồng kiến tạo. Dù tên gọi khác nhau, nhưng chúng đều hướng đến xây dựng những môi trường cộng tác con người hơn.
Tất cả những lý thuyết và thực hành đó chúng tôi được học từ các cô bác, anh chị người nước ngoài. Và với mong muốn lan toả thực tập ở Việt Nam, chúng tôi lập ra Đom Đóm Lab. Đây là nơi chúng tôi thử nghiệm các thực hành tự quản, ví dụ nhu cách họp hiệu quả, hay những phương pháp ra quyết định. Từ đó chúng tôi tư vấn và đồng hành với các tổ chức cũng đang mong muốn chuyển đổi mô hình.
Là những con đom đóm lập lòe cùng nhau, chúng tôi mong muốn soi chiếu tới một tương lai nơi con cháu mình được tự do đóng góp và phát triển trong các môi trường làm việc tự chủ.
hay quá anh Linh và các cộng sự ơi, nhân văn và cũng đầy ý nghĩa cho tương lai sắp tới, để nơi làm việc được tự do trong việc kết nối con người chớ không phải mất đi tính người để cho lợi nhuận.